Giải Búa liềm vàng 2024: Tự phê bình và phê bình ở cấp ủy cơ sở
Nguyễn Thành Nam
2024-12-30T09:19:56+07:00
2024-12-30T09:19:56+07:00
http://tuyenthanhongai.vn/giai-bua-liem-vang/giai-bua-liem-vang-2024-tu-phe-binh-va-phe-binh-o-cap-uy-co-so-696.html
http://tuyenthanhongai.vn/uploads/news/2024_12/screenshot-2024-12-17-145658.png
Tuyển than Hòn Gai
http://tuyenthanhongai.vn/uploads/logo_2.jpg
Thứ năm - 26/12/2024 13:36
Tác phẩm "Tự phê bình và phê bình ở cấp ủy cơ sở" của tác giả Nguyễn Thành Nam - Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty có chất lượng bài viết tốt. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tác phẩm "Tự phê bình và phê bình ở cấp ủy cơ sở" của tác giả Nguyễn Thành Nam - Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty có chất lượng bài viết tốt. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của cả dân tộc Việt Nam. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình, mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải trong sạch, vững mạnh, thực sự là chỗ dựa, niềm tin của Nhân dân, để Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình. Tuy nhiên, việc tự phê bình và phê bình ở một số cấp ủy cơ sở còn hạn chế. Tình trạng “dĩ hòa vi quý”, nể nang, né tránh thực tế đang diễn ra. Việc quan tâm đến chất lượng tự phê bình và phê bình ở cấp ủy cơ sở là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Tự phê bình và phê bình ở cấp ủy cơ sở là hoạt động của cấp ủy cơ sở và đội ngũ ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ sở chủ động chỉ ra ưu điểm để phát huy và vạch rõ khuyết điểm để khắc phục, nhằm làm cho cấp ủy cơ sở và đội ngũ ủy viên BCH luôn giữ vững vai trò là người chiến sĩ tiên phong; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy; xây dựng cấp ủy cơ sở trong sạch, vững mạnh; đủ sức lãnh đạo và sức chiến đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tự phê bình và phê bình là một trong năm nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta luôn coi trọng tự phê bình và phê bình. Đảng ta khẳng định đây là một quy luật phát triển của Đảng, là thước đo trình độ sinh hoạt dân chủ trong Đảng và là ý thức trách nhiệm của Đảng với Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Người đời ai cũng có khuyết điểm, có làm việc thì có sai lầm. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng Đảng và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng tự phê bình và phê bình. Do đoá, tự phê bình và phê bình là công tác không thể thiếu trong sinh hoạt, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi tổ chức cơ sở đảng.
Thông qua tự phê bình và phê bình, chúng ta có thể chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới sai lầm, khuyết điểm và đề ra biện pháp khắc phục, qua đó, giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, năng lực công tác của cán bộ, đảng viên của cấp uỷ cơ sở, giúp họ trở thành những cán bộ, đảng viên tốt, đồng thời giúp những người khác tránh sai lầm, khuyết điểm tương tự. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong công tác, trong đấu tranh, trong huấn luyện, các đảng viên, các cán bộ, cần phải luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình. Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi.
Trong quá trình hoạt động của Đảng, nhờ thực lực nghiêm túc tự phê bình và phê bình, Đảng ta đã sửa chữa kịp thời nhiều sai lầm, khuyết điểm làm cho Đảng ngày càng lớn mạnh, vượt qua những thử thách quyết liệt, đưa cách mạng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Kinh nghiệm lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cộng sản thế giới cho thấy, khi Đảng Cộng sản nào xa rời nguyên tắc tự phê bình và phê bình thì sẽ mắc bệnh kiêu ngạo cộng sản, rơi vào các sai lầm tả khuynh hoặc hữu khuynh nguy hiểm.
Tự phê bình và phê bình bao gồm: tính đảng, tính giáo dục, tính khách quan, trung thực, thẳng thắn, chân thành, công khai và tính cụ thể, thiết thực, kịp thời.
Thực trạng tự phê bình và phê bình ở cấp uỷ cơ sở
Thứ nhất, đại đa số các đồng chí đảng uỷ viên có thái độ tự giác, gương mẫu thành khẩn và tính chiến đấu cao trong quá trình thực hiện tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Mỗi cá nhân các đảng uỷ viên đã thẳng thắn nhận những ưu điểm, khuyết điểm và đề xuất các giải pháp để khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các đồng chí uỷ viên đã chỉ ra những điểm mạnh, yếu của đồng chí mình với mong muốn làm cho đồng chí mình được hoàn thiện hơn, xây dựng được tập thể cấp uỷ cơ sở đoàn kết, thống nhất, đủ sức lãnh đạo đảng bộ thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ.
Thứ hai, hoạt động tự phê bình và phê bình của cấp uỷ cơ sở đã thể hiện rõ mục đích, tính chất; tuân thủ đúng hình thức, quy trình, phương pháp tự phê bình và phê bình trong Đảng và yêu cầu của Trung ương. Về mục đích, trong quá trình tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình các cấp uỷ cơ sở đã nhận thức được mục đích của tự phê bình và phê bình, có chuyển biến tích cực. Về tính chất, qua quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình của các cấp uỷ cơ sở đã thể hiện được những tính chất của tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Đó là tính đảng, tính giáo dục, tính khách quan, trung thực, thẳng thắn, chân thành, công khai và tính cụ thể, thiết thực, kịp thời.
Về hình thức tự phê bình và phê bình, từ gợi ý, hướng dẫn, chỉ đạo của Cấp uỷ cấp trên, các cấp uỷ cơ sở đã thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên trong sinh hoạt với nhiều hình thức khác nhau. Qua các hình thức cho thấy, thực chất đây là vấn đề mở rộng dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tự phê bình và phê bình tốt hơn.
Thứ ba, mức độ khắc phục, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm của tập thể cấp uỷ cơ sở và của từng cấp uỷ viên sau tự phê bình và phê bình được thực hiện ngay và đã phát huy kết quả tích cực bước đầu. Nhờ xác định rõ nội dung của tự phê bình và phê bình, làm rõ ưu, khuyết điểm và chỉ ra được biện pháp khắc phục nên chất lượng tự phê bình và phê bình ở cấp uỷ cơ sở được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc quán triệt, tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đối với những hạn chế, khuyết điểm của cá nhân, các đồng chí uỷ viên đã nêu cao tính tiên phong gương mẫu, tinh thần trách nhiệm với công việc, lĩnh vực, địa phương phụ trách, đồng thời dành thời gian nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng đảng, chính quyền… Tham gia đầy đủ các hội nghị, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực trong lãnh đạo, chỉ đạo, phù hợp với điều kiện thực tế.
Bên cạnh những ưu điểm về chất lượng tự phê bình và phê bình tại cấp uỷ cơ sở đã nêu vẫn còn có những tồn tại hạn chế cần khắc phục.
Thứ nhất, việc thực hiện quy trình tự phê bình và phê bình có lúc, có nơi chưa thực sự coi trọng, gây hạn chế kết quả tự phê bình và phê bình. Kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể lãnh đạo cấp uỷ cơ sở và của cán bộ đảng viên là chế độ sinh hoạt thường xuyên của Đảng. Bản thân hoạt động này có hiệu quả, nghĩa là phải chỉ rõ những ưu điểm và khuyết điểm của mỗi tập thể và cá nhân trong tự phê bình và phê bình, cần phải xây dựng và thực hiện đúng quy trình. Do đó việc xem nhẹ quy trình là khuyết điểm đầu tiên. Đây cũng là xem nhẹ công tác chính trị tư tưởng của các đảng bộ đối với cán bộ, đảng viên trong các đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Một số cấp uỷ cơ sở chưa quán triệt sâu sắc tới đội ngũ cán bộ, đảng viên ý nghĩa, mục đích, nội dung yêu cầu của chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, các kế hoạch hướng dẫn thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng. Nhận thức của một số cấp uỷ và đảng viên chưa thấy hết tầm quan trọng của công tác chính trị tư tưởng, còn lúng túng trong việc triển khai nghị quyết xây dựng chương trình công tác.
Thứ hai, một số cấp uỷ, tập thể lãnh đạo cơ quan đơn vị chưa chỉ đạo tự phê bình và phê bình thật tập trung kiên quyết, chưa kịp thời sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm. Sự chỉ đạo của cấp uỷ và tập thể lãnh đạo các cơ quan đơn vị là một khâu của quy trình tự phê bình và hê bình trong Đảng, đồng thời là nguyên nhân của việc thực hiện tốt hay không tốt các quy trình tự phê bình và phê bình đã được xây dựng.
Thứ ba, trong tiến trình tự phê bình và phê bình ở cấp uỷ cơ sở vẫn có những vi phạm thuộc về tính chất tự phê bình và phê bình trong Đảng. Một số cán bộ lãnh đạo cấp uỷ, kể cả cán bộ chủ chốt chưa thực sự chân thành, công khai tự phê bình và phê bình những khuyết điểm của cá nhân và của đồng chí mình trong tập thể cấp uỷ và tập thể lãnh đạo đơn vị. Những khuyết điểm loại này thường được biểu hiện như: trong tập thể cấp uỷ, tập thể lãnh đạo thì không thẳng thắn phê bình đồng chí mình, thậm chí còn thông qua phê bình để nịnh cán bộ lãnh đạo cấp trên, nhưng ở ngoài sinh hoạt đảng thì phê bình vắng mặt đồng chí của mình trước người khác hoặc trước cấp trên; hoặc lấy cớ giữ uy tín cho cán bộ cấp trên, không đưa ra chính kiến của mình trong việc đánh giá ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ lãnh đạo, thủ tiêu đấu tranh, dĩ hoà vi quý.
Những giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình của cấp uỷ cơ sở trong thời gian tới
Một là, cấp uỷ cần quan tâm chỉ đạo các đồng chí đảng viên nghiên cứu, học tập để hiểu đầy đủ, sâu sắc nội dung ý nghĩa của việc tự phê bình và phê bình trong Đảng, giúp đỡ đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị trong sinh hoạt Đảng, trong đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, đồng thời tạo cho đảng viên trong chi bộ có ý thức, nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình.
Hai là, thực hiện nề nếp, duy trì thường xuyên việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ. Trong đó Bí thư, lãnh đạo chính quyền, người đứng đầu các tổ chức chính trị giữ vai trò tiêu biểu, gương mẫu trong thực hiện nguyên tắc cũng như trong việc tự phê bình và phê bình.
Ba là, cấp uỷ cần đề ra những chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, nhất là việc phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác, chú trọng củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảm bảo có tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu.
Bốn là, cấp uỷ cần giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, phấn đấu trở thành người cán bộ, công chức, công dân mẫu mực, nghiêm chỉnh chấp hành và vận dụng, thuyết phục nhân dân chấp hành nghị quyết của tổ chức đảng. Chi bộ xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện nhiệm vụ học tập, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt. Xây dựng kế hoạch, biện pháp quản lý, phân công nhiệm vụ và tạo điều kiện để đảng viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Làm tốt công tác động viên, khen thưởng, kỷ luật đảng viên; xử lý nghiêm, kịp thời những đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, Pháp luật của Nhà nước.
Năm là, mỗi cán bộ, đảng viên cần thẳng thắn trong công tác tự phê bình và phê bình. Cần nêu cao tinh thần tự giác, trung thực, thẳng thắn xem việc phê bình và tự phê bình là việc làm thường xuyên. Tiếp tục phê bình và tự phê bình trong các lĩnh vực công tác để có thể khắc phục những khuyết điểm và phát huy ưu điểm, thế mạnh của mỗi cán bộ, đảng viên trong mỗi lĩnh vực công tác.
Sáu là, cần phải mở rộng dân chủ nội bộ, cần bảo vệ và khuyến khích cán bộ, đảng viên trung thực, dũng cảm, dám nói thẳng, nói thật trong tự phê bình và phê bình. Đây là cơ sở, là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho tự phê bình, phê bình đạt hiệu quả. Tự phê bình và phê bình chỉ được tiến hành thực sự có hiệu quả khi đề cao và mở rộng dân chủ, đồng thời cần bảo vệ và khuyến khích cán bộ, đảng viên dũng cảm, trung thực dám nói thẳng, nói thật trong phê bình góp ý cho lãnh đạo, cho đồng chí, đồng nghiệp./.
Tác giả: Nguyễn Thành Nam