Ảnh hưởng của Internet tới thanh niên

Chủ nhật - 12/11/2023 21:14
 Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin nói chung, các trang mạng xã hội nói riêng, nhất là Internet phát triển rất mạnh, nó đã và đang ảnh hưởng rất lớn (cả tích cực và tiêu cực) đến mọi hoạt động và sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ.
     Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin nói chung, các trang mạng xã hội nói riêng, nhất là Internet phát triển rất mạnh, nó đã và đang ảnh hưởng rất lớn (cả tích cực và tiêu cực) đến mọi hoạt động và sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ. Với đặc điểm nổi trội là tính kết nối nhanh, chia sẻ rộng, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay một máy tính kết nối Internet ở vị trí nào chúng ta có thể truy cập và tham gia vào rất nhanh các trang mạng như: Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… trong đó, phổ biến nhất là Facebook và Tiktok. Mặc dù mục đích, cách thức, mức độ tham gia các trang mạng xã hội của mỗi người khác nhau nhưng có một điểm chung đó là xem nó như là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi con người.
     Internet và các trang mạng xã hội đem lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng, vì tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, đa dạng… nếu biết khai thác, sử dụng hợp lý thì nó mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội cho thanh niên, ngược lại nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt. Đặc điểm nổi trội của các trang mạng xã hội là thông tin nhanh, nhiều, nhưng bị trộn lẫn giữa những thông tin tốt với thông tin xấu, thiếu tính định hướng thông tin, tư tưởng, không ai phải chịu trách nhiệm, không ai kiểm chứng.
     Điều đáng quan tâm lo ngại nhất hiện nay là nhiều thông tin trên mạng xã hội hàm chứa nội dung xấu độc, dụ dỗ, lôi kéo người tham gia như: phim ảnh khiêu dâm, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực, khiêu khích chiến tranh, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo…hay là đu theo các “trend” trên mạng xã hội. Với đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn của các trang mạng xã hội rất dễ làm cho người tham gia bị sa đà vào “biển thông tin” hỗn loạn đó lúc nào mà không hay biết, làm cho họ sao nhãng việc học hành, giảm năng suất lao động, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới ảo trong đời sống thực. Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người, nhất là giới trẻ ở nước ta hiện nay.
     Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội đến việc giáo dục, nuôi dưỡng phát triển hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp của con người, trong mỗi người thanh niên chúng ta cần:
     1. Nâng cao năng lực xã hội: Việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là, chúng ta cần tạo dựng năng lực tốt cho giới trẻ tham gia mạng xã hội. Do vậy, chúng ta cần nâng cao năng lức nhận thức xã hội cho các cá nhân, đặc biệt là cho nhóm học sinh, sinh viên để họ tỉnh táo nhận diện được các thông tin xấu độc. Bởi vì năng lực xã hội giúp cho các cá nhân biết được mình là ai, mình có mối quan hệ như thế nào với cộng đồng, xã hội, với các tổ chức hay cá nhân khác trong xã hội. Nâng cao năng lực xã hội cho các cá nhân nên trở thành các chương trình cụ thể áp dụng trong các trường học, đồng thời thực hiện các chiến dịch truyền thông xã hội lớn để hỗ trợ thông tin cho các hoạt động trong nhà trường.
     2. Tạo môi trường mạng xã hội tích cực: “Phải chủ động thông tin tích cực trên internet và mạng xã hội. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên có sử dụng smartphone, facebook mỗi ngày chủ động chia sẻ cho nhau một bài báo hay, 1 clip tốt, viết 1 comment tích cực hay tìm kiếm thông tin tốt đẹp có nghĩa chúng ta đã góp phần làm cho công tác tư tưởng của chúng ta thêm tích cực” trích lời phát biểu của Đồng chí Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tại hội nghị công tác tuyên giáo cuối năm 2016 khi đó đồng chí vẫn giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.
     Về phía Trung ương Đoàn cũng đã phát động cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” nhằm tạo ra xu hướng tích cực trên mạng xã hội về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống đồng thời giúp “cạnh tranh” và lấn át trước những thông tin xấu, độc hại. Do vậy, các cấp bộ Đoàn và mỗi đoàn viên, thanh niên cần nhận thức sâu sắc và có các hành động cụ thể để tạo lập môi trường mạng xã hội tích cực.
     3. Tham gia đề xuất các chính sách, pháp luật nhằm góp phần hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng, tập trung nghiên cứu xây dựng Luật về quản lý thông tin trên mạng để có thể tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp. Qua đó, xây dựng chế tài xử phạt nặng đối với người ứng xử vô văn hóa trên mạng, tung thông tin giả, xuyên tạc sự thật, kích động trên mạng xã hội.
     4. Đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật phục vụ đấu tranh ngăn ngừa, đẩy lùi thông tin sai trái, bịa đặt trên internet và mạng xã hội. Đồng thời, tổ chức khảo sát, tổng hợp liệt kê và thông báo rộng rãi để mọi người biết những trang mạng đen, địa chỉ website, blog cá nhân không nên truy cập, tiếp cận; hoặc có những điểm lưu ý khi truy cập, khai thác thông tin. Cần đầu tư kinh phí cho những dự án nghiên cứu, sản xuất các phần mềm, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để ngăn chặn các website, báo điện tử, blog, thư điện tử có nội dung xấu độc trên internet và trên mạng xã hội. Đổi mới nhanh chóng trang thiết bị kỹ thuật thông tin để có thể hòa nhập vào trình độ kỹ thuật thông tin tiên tiến thế giới, nhằm phát huy được hiệu quả của các phương tiện truyền thông đại chúng, qua đó độc giả trong và ngoài nước tiếp cận thông tin chính thống một cách nhanh chóng, chính xác và đầy đủ.
     5. Chủ động cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận, nâng cao nhận thức và biết sàng lọc thông tin cho người dân. Các cơ quan chức năng phải chủ động cập nhật những thông tin chính thống để định hướng dư luận. Niềm tin vào sự thật, tin vào sự lãnh đạo, vai trò của Đảng, Nhà nước sẽ đẩy lùi mọi thông tin sai trái, bịa đặt,góp phần tạo “miễn dịch” trong mỗi người dân cũng như giới trẻ.
     6. Xây dựng mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên có năng lực, phẩm chất đạo đức để kịp thời nắm bắt thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin những vấn đề quan trọng gắn với vai trò và các hoạt động của tổ chức đoàn. Đây chính là lực lượng xung kích, đi đầu trong định hướng dư luận trong giới trẻ, cũng như chia sẽ kịp thời về những nội dung quan trọng, được cộng đồng mạng quan tâm.
     Cùng với sự tiến bộ của xã hội, Internet nói chung, các trang mạng xã hội nói riêng ngày càng phát triển, đây là xu thế tất yếu khách quan. Để giúp cho thanh niên tham gia và sử dụng các trang mạng xã hội một cách lành mạnh, tích cực, hữu ích thì điều quan trọng trước hết là các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải làm tốt công tác giáo dục, hướng dẫn cho họ hiểu rõ về các trang mạng xã hội, thấy được những tiện ích và hạn chế của nó để chủ động tham gia và sử dụng một cách tích cực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho sinh hoạt, học tập, công tác chuyên môn.
     Bên cạnh việc giáo dục cho thanh niên nâng cao hiểu biết về các trang mạng xã hội, thì phải hướng dẫn, tư vấn cho họ những kiến thức, kỹ năng sử dụng các trang mạng xã hội. Điều hết sức quan trọng là phải chỉ cho họ thấy được tính hai mặt của mạng xã hội, đặc biệt là những hậu quả, hệ lụy của việc sử dụng mạng xã hội một cách tùy tiện, thái quá. Chỉ dẫn cho họ biết cách ứng xử và khả năng miễn dịch khi tiếp xúc với những thông tin xấu độc, mời gọi, khiêu khích, lôi kéo, phản động,… đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội cho thanh niên, làm cho họ biết làm chủ và kiểm soát được các hành vi của bản thân. Các thông tin tung lên mạng phải đúng với quy định của pháp luật, của đơn vị, địa phương, phù hợp với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội; phải hết sức thận trọng khi đăng tải những thông tin, hình ảnh của cá nhân và các hoạt động của đơn vị, nhất là đơn vị quân đội, công an lên các trang mạng xã hội. 
     Tuy nhiên, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo giáo, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị cần phải có sự hiểu biết cơ bản về các trang mạng xã hội, biết cách sử dụng các trang mạng xã hội với những tiện ích của nó cho công việc, cho giải trí lành mạnh, không nên phê phán bừa bãi hay chỉ lên án những tiêu cực của các trang mạng xã hội mà cấm đoán giới trẻ. 
     Thường xuyên giáo dục, định hướng giá trị nhân cách và lối sống tốt đẹp của con người, nâng cao sức đề kháng trước tác động tiêu cực của các trang mạng xã hội. Làm cho giới trẻ thấm sâu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; giáo dục, rèn luyện cho họ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức phẩm chất tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh, luôn biết tự trọng, tự chủ trong suy nghĩ và hành động, từ đó xây dựng lối sống tốt đẹp, sống có tình thương và trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. 
     Đặc biệt quan tâm, coi trọng việc bồi dưỡng nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội, rèn luyện thói quen, kỹ năng sống cho thanh niên, nhất là kỹ năng điều tiết và kiểm soát bản thân. Làm tốt điều này sẽ giúp cho giới trẻ có đủ tự tin, bản lĩnh và phương pháp phòng tránh với những chiêu bài tiêu cực trên các trang mạng xã hội. Xây dựng cho họ có động cơ, thái độ và tinh thần trách nhiệm xã hội khi tham gia và sử dụng các trang mạng xã hội; xác định mục đích tham gia và sử dụng các trang mạng xã hội đúng đắn, hữu ích, không bị lệ thuộc, chìm đắm vào môi trường cuộc sống ảo trên các trang mạng xã hội, vì điều đó vừa làm mất thời gian vừa ảnh hưởng đến công việc học tập, công tác, đồng thời xâm hại đến giá trị thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức truyền thống, lối sống văn hóa và vi phạm các chế độ quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương.
     Tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, phù hợp với nhu cầu và đặc điểm tâm sinh lý của tuổi trẻ. Các hoạt động như: văn hóa, văn nghệ, thể thao,…vừa để nâng cao đời sống tinh thần, bồi đắp tâm hồn tươi trẻ của thanh niên vừa là môi trường thuận để họ kết bạn, giao lưu học tập kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời qua đó còn nhằm để giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền tốt đẹp của dân tộc, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và thể chất cho thanh niên. Thực tiễn cho thấy nếu gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh thì đa phần thanh niên sẽ dành thời gian rảnh rỗi tham gia vào các trang mạng xã hội. Nhiều trường hợp đã gây nên những hậu quả đáng tiếc, dẫn đến vi phạm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình và xã hội. Do vậy, tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh là biện pháp hiệu quả, thiết thực nhất để vừa quản lý được thanh niên vừa bồi dưỡng, nâng cao hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp cho giới trẻ, đồng thời hạn chế thấp nhất sự tác động tiêu cực, đa chiều của các trang mạng xã hội.
     Phát huy tốt vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống truyền thanh nội bộ, kết hợp đẩy mạnh hoạt động của các loại hình văn hóa dân gian, sinh hoạt câu lạc bộ, văn nghệ quần chúng… thông qua đó tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, đơn vị, trên cơ sở đó giáo dục, định hướng chính trị, tạo niềm tin và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chống lại các loại sản phẩm văn hóa xấu độc, âm mưu “xâm lăng văn hóa”, tư tưởng “áp đặt lối sống, văn hóa phương Tây”, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống tình cảm tốt đẹp, tâm hồn trong sáng vốn có của thanh niên hiện nay./.

Tác giả: Tạ Hồng Sơn - Chi bộ Vận tải 2

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập4
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách Online2
  • Hôm nay410
  • Tháng hiện tại33,875
  • Tổng lượt truy cập1,224,819
 
logo
 
3 jpg
 
vinacomin jpg
  
2 jpg
 
images1 jpg
 
ldo red
 
Vietnamnet Logo
 
vnexpress
Thợ mỏ ngày nay
Thư viện pháp luật
Cẩm Nang Chuyển Đổi Số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây