Tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ bảy - 11/11/2023 21:07
 Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, điều đó đã được dân tộc Việt Nam và cả nhân loại ngày nay thừa nhận. Với thiên tài trí tuệ của mình, với lòng yêu nước nồng nàn và thương dân sâu sắc, Bác - từ một con người giản dị bình thường đã trở thành nhà tư tưởng vĩ đại, một nhà lý luận thiên tài của Cách mạng Việt Nam
     Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, điều đó đã được dân tộc Việt Nam và cả nhân loại ngày nay thừa nhận. Với thiên tài trí tuệ của mình, với lòng yêu nước nồng nàn và thương dân sâu sắc, Bác - từ một con người giản dị bình thường đã trở thành nhà tư tưởng vĩ đại, một nhà lý luận thiên tài của Cách mạng Việt Nam. Người là sự kết tinh những giá trị tinh hoa nhất của văn hóa dân tộc và của nhân loại, là bước phát triển mới của chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tư tưởng ấy có giá trị vô cùng to lớn, định hướng cho cách mạng Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, góp phần thúc đẩy tiến trình văn minh, tiến bộ của nhân loại. Hiện nay tư tưởng Hồ Chí Minh đang tiếp tục soi đường cho Cách mạng nước ta trong sự nghiệp đổi mới, cương lĩnh của Đảng ta năm 1991 đã xác định: “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Đây là kết luận rút ra từ kết quả tổng kết sâu sắc thực tiễn lịch sử Đảng ta và Cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng một lần nữa khẳng định quan điểm có tính nguyên tắc của Đảng là: “Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng”.
     Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự kết hợp sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, là lý luận chiến lược Cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân tiến lên Chủ nghĩa xã hội, là khoa học về quy luật phát triển xã hội thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế chưa phát triển, là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam trong thời đại mới. Hay có thể nói đó là một hệ thống những luận điểm về cách mạng Việt Nam từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên Chủ nghĩa xã hội nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và con người, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, góp phần vào Cách mạng thế giới.
     Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành và phát triển từ trong quá trình Người tham gia các hoạt động tìm đường cứu nước, từ những kinh nghiệm phong phú được tích lũy qua quá trình hoạt động phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và thực tiễn lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Người được hình thành không tách rời những nguồn gốc xã hội lúc bấy giờ.
     Hồ Chủ tịch là người kế thừa xuất sắc những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân ta trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đó là truyền thống kiên cường bất khuất, nhân nghĩa, yêu chuộng tự do hòa bình, đoàn kết cộng đồng dân tộc. Bác là người tiếp thu, nhận thức rất sớm và sâu sắc những truyền thống tốt đẹp đó. Trong cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than dưới hai tầng áp bức bóc lột chính là nguồn động lực hun đúc cho Bác hình thành nguồn gốc tư tưởng đầu tiên của Người, nguồn gốc đó là toàn bộ tinh hoa văn hóa Việt Nam được kết tinh qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nổi bật nhất là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
     Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, điều đó đã được chứng minh trong lịch sử và cả thế giới ngày nay thừa nhận, sống trên một mảnh đất không rộng người không đông, mảnh đất của bao thời kỳ giặc ngoại xâm qua lại, nhiều kẻ thù mạnh hơn gấp bội, qua các thời kỳ giặc ngoại xâm phương Bắc; từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập... đã đánh bại các triều đại Tần, Hán, Nguyên, Minh, Thanh... sản sinh ra các anh hùng hào kiệt từ hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung... Từ thời kỳ Pháp xâm lược với chính sách người dân, hòng xóa tên Việt Nam trên bản đồ thế giới cũng không khuất phục được nhân dân ta. Nhiều sĩ phu yêu nước đã tập hợp lực lượng chống lại thực dân Pháp, khởi nghĩa nổ ra khắp nơi như Ba Đình, Bãi Sậy, phong trào Đông kinh nghĩa thục với các tên tuổi của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... khởi nghĩa ở Thái Nguyên, Yên Bái... Chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường đã thúc giục những con người ưu tú, trong đó có Nguyễn Tất Thành quyết ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Đó cũng là tư tưởng, tình cảm chi phối mọi suy nghĩ và hành động của Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
     Nói về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là vũ khí tư tưởng không gì thay thế được, nó là cẩm nang, là mặt trời soi sáng ta đi tới Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa Cộng sản” với phép biện chứng duy vật đã giúp Bác có được tư duy và phương pháp luận đúng đắn, nhờ đó Bác đã thành công trong trong quá trình hoạt động Cách mạng, gần mười năm bôn ba qua nhiều châu lục, khảo sát thực tiễn qua nhiều nước Tư bản và thuộc địa, Bác đã sớm nhận thức được xu hướng của thời đại, từ một người yêu nước, từ nhận thức hết sức nhạy bén, sáng tạo và trí tuệ sáng suốt Bác đã gặp Chủ nghĩa Mác-Lênin như một cuộc hẹn hò từ trước. “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin đã soi sáng và tạo ra những bước ngoặt phát triển tư tưởng của Hồ Chí Minh, từ yêu nước chưa có định hướng chuyển sang lập trường của Chủ nghĩa Mác-Lê nin và Người đã rút ra kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”. Đó là cuộc Cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo nhằm đánh đổ đế quốc phong kiến và tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, sau đó tiến lên làm Cách mạng Xã hội chủ nghĩa, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, kết hợp Chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.
    Đối với tôn giáo, Bác hiểu rất sâu sắc, vận dụng rất sáng tạo của Nho giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác như việc liên hệ đạo đức người Cách mạng với đạo tam tài, trời, đất. Bác nói: “Ông Mác có phép duy vật biện chứng, ông Khổng có đức trí dũng con người, Đức chúa Giêsu có lòng nhân ái, Đức phật Thích ca có lòng từ bi bác ái, Tôn Dật Tiên có chủ nghĩa tam dân. Nếu các vị ấy còn sống thì chắc họ sẽ sống hoàn mỹ với nhau, bởi vì các vị đó có một điểm chung là muốn giải phóng con người, giải phóng nhân loại, tôi nguyện làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.
         Những giá trị tốt đẹp ấy đã trở thành nguồn gốc rất quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc đời và sự nghiệp đã làm cho nhiều người nể phục. Bác ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, hoạt động ở nước ngoài 30 năm, qua nhiều quốc gia châu lục hành trang của Người là chủ nghĩa yêu nước và văn hóa Việt Nam. Năm 1923, tại Đại hội quốc tế V tại Liên Xô, một nhà thơ Liên Xô đã từng nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải là văn hóa Châu Âu mà có lẽ là văn hóa tương lai”, lời tiên đoán đó sau 67 năm đã trở thành hiện thực vào năm 1990 khi UNESCO công nhận Hồ Chí Minh “Vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hoá lớn”.
   Từ bản lĩnh, phẩm chất, tính cách của Hồ Chí Minh cho ta thấy, ngay từ thuở nhỏ Bác đã có hoài bão lớn, có bản lĩnh kiên định, giàu tính nhân ái và sớm có ý thức yêu nước, cứu nước, tự tin vào mình. Bác coi trọng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh nhưng không tán thành con đường đi của các bậc tiền bối ấy. Ở con người Bác có năng khiếu chính trị cộng với nghị lực phi thường nên Bác đã rất thành công trong lãnh đạo Cách mạng. Với hai bàn tay Bác đã quyết tâm xa quê hương đi tìm đường cứu nước mà lòng quặn đau nỗi nhớ: “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi”. Nhờ vào sức lực trí tuệ, vượt mọi gian khó mà Bác đã chiến thắng tất cả, ta thử tưởng tượng trong hoàn cảnh hiện nay, lớp trẻ phải làm gì để học tập người thanh niên ấy. Sống trong lòng Chủ nghĩa tư bản, thực dân, với khả năng, tư chất thông minh, Bác không màng, không tưởng tới bất cứ một điều gì cho mình, một mình đến với Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tự nghiền ngẫm, so sánh, đối chiếu với thực tiễn để chọn đó làm lý tưởng cho bản thân, cho dân tộc, Bác quả là một người vĩ đại.
         Kể cả khi trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước Bác vẫn là con người hết sức dung dị, bình thản nhưng rất vĩ đại. Nhân dân ta gọi người là Bác, cả đời Người là của nước non. Cơ sở nội tại, nhân tố chủ quan trong con người Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở hình thành tư tưởng của Bác.
     Như vậy, cùng với nguồn gốc nội tại, có 3 nguồn gốc cơ bản đó là: Chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa yêu nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại.
     Trong các nguồn gốc hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước là cơ sở ban đầu và động lực thúc đẩy Người tự giác đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, còn Chủ nghĩa Mác-Lê nin đã nâng Chủ nghĩa yêu nước lên một bước phát triển mới phù hợp với thời đại mới. Chủ nghĩa Mác-Lê nin là nguồn gốc trực tiếp và chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh.
     Tinh hoa văn hóa nhân loại đã giúp cho Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc hơn Chủ nghĩa Mác-Lê nin, làm phong phú bản sắc tư tưởng của Người, do kết hợp được dân tộc với thời đại, phương Đông với phương Tây và nâng tầm văn hóa chính trị của Người ngang tầm với thời đại. Tư duy Hồ Chí Minh hình thành là sự tổng hợp, chắt lọc tư duy độc lập qua trí tuệ và nhân cách lớn của Người. Trên cơ sở một bản lĩnh chính trị kiên định và cốt cách văn hóa độc đáo của Người. Đó là kết quả tổng hợp quá trình đấu tranh lâu dài trong thực tiễn, hiểm nguy, gian khó qua nhiều châu lục, một quá trình học tập, tích lũy kinh nghiệm sống và chiến đấu của Người.
     Nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh đã quy định tính cách mạng, khoa học của tư tưởng đó. Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lê nin trong điều kiên cụ thể của nước ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần quý báu của toàn Đảng, toàn dân tộc ta đã đang và sẽ biến thành sức mạnh vật chất soi đường chỉ lối cho dân tộc ta đi tiếp chặng đường đổi mới, xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
     Tính khoa học sáng tạo của Hồ Chí Minh đã được lịch sử đấu tranh Cách mạng kiểm chứng, trải qua bao khúc quanh của lịch sử dân tộc và những biến cố khắc nghiệt của dân tộc, thời đại, tư tưởng của Bác vẫn luôn cùng con cháu thời đại Hồ Chí Minh vững bước đi tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, tư tưởng đó là niềm tự hào của mọi thế hệ Việt Nam. Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân ta càng vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam cần phải ra sức học tập, rèn luyện tu dưỡng theo tư tưởng của Người góp phần xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất bền vững trong thời đại ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi với non sông Việt Nam./.
 

Tác giả: Nguyễn Bảo Chung - Bí thư chi bộ, Quản đốc LK2

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách Online10
  • Hôm nay69
  • Tháng hiện tại37,726
  • Tổng lượt truy cập1,228,670
 
logo
 
3 jpg
 
vinacomin jpg
  
2 jpg
 
images1 jpg
 
ldo red
 
Vietnamnet Logo
 
vnexpress
Thợ mỏ ngày nay
Thư viện pháp luật
Cẩm Nang Chuyển Đổi Số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây