Bác Hồ - nhà báo vĩ đại, người sáng lập và phát triển báo chí cách mạng Việt Nam

Thứ hai - 21/06/2021 16:17
Không chỉ là một lãnh tụ chính trị kiệt xuất, một danh nhân văn hóa của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thực sự là một nhà báo vĩ đại. Người coi báo chí là phương tiện để vận động, tập hợp lực lượng cách mạng, tổ chức, thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng và hiệu quả nhất. Chính vì vậy, dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu và bất cứ giai đoạn, tình thế nào, Người vẫn quyết tâm sáng lập, chỉ đạo, cho ra đời những tờ báo cách mạng
Bác Hồ - nhà báo vĩ đại, người sáng lập và phát triển báo chí cách mạng Việt Nam

Không chỉ là một lãnh tụ chính trị kiệt xuất, một danh nhân văn hóa của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thực sự là một nhà báo vĩ đại. Người coi báo chí là phương tiện để vận động, tập hợp lực lượng cách mạng, tổ chức, thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng và hiệu quả nhất. Chính vì vậy, dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu và bất cứ giai đoạn, tình thế nào, Người vẫn quyết tâm sáng lập, chỉ đạo, cho ra đời những tờ báo cách mạng

Năm 1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Trong quá trình lao động, học hỏi và giác ngộ cách mạng, Bác bắt đầu quan tâm đến một phương tiện thông tin phổ biến, nhiều tác dụng là báo chí. Cuối năm 1917, khi trở lại Pháp, Bác đã tự học tiếng Pháp và học làm báo. Những ngày đầu, Bác được Jean Laurent Frederick Longuet - cháu ngoại của Karl Marx, nhiệt tình chỉ dẫn nghiệp vụ báo chí.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tháng 6-1919, các nước thắng trận tổ chức hội nghị bàn về vấn đề thuộc địa tại Versailles (Pháp). Bác đã gửi đến hội nghị bản yêu sách 8 điểm đòi quyền lợi cho nhân dân Việt Nam. Bài viết đầu tiên của Bác được tờ L’Humanité (Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp) đăng ngày 18-6-1919 dưới tựa đề Yêu sách của nhân dân An Nam.

Năm 1921, Bác (lấy tên Nguyễn Ái Quốc) cùng một số nhà hoạt động cách mạng người Maroc, Algeria, Tunisia... thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và lập ra cơ quan ngôn luận của Hội - tờ Le Paria (Người cùng khổ), số đầu tiên xuất bản ngày 1-4-1922. Nguyễn Ái Quốc trở thành trụ cột của tờ báo: Vừa là chủ nhiệm kiêm chủ bút, quản lý, phóng viên, phát hành... Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc, báo Le Paria vạch trần chính sách đàn áp, bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc nói chung và đế quốc Pháp nói riêng, thúc đẩy các dân tộc bị áp bức nổi dậy đấu tranh cách mạng.

Trong khoảng thời gian từ năm 1919 - 1926, Bác đã viết hàng trăm bài báo phục vụ sự nghiệp tuyên truyền cách mạng, bút danh Nguyễn Ái Quốc được sử dụng nhiều nhất, trong đó có những tác phẩm quan trọng đối với cách mạng Việt Nam được tập hợp trong 2 cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) và Đường kách mệnh (1927). Cuốn đầu là bản cáo trạng đối với chủ nghĩa thực dân Pháp nói riêng và chủ nghĩa đế quốc nói chung nhằm thức tỉnh nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức, cuốn sau là định hướng cho hành động cách mạng.

Cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật sang Liên Xô hoạt động và bắt đầu viết báo bằng tiếng Nga.

  1. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc bí mật về Quảng Châu (Trung Quốc), tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng, thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội với báo Thanh Niên là cơ quan ngôn luận, số đầu tiên ra ngày 21-6-1925.

Tháng 12-1926, Bác lập ra báo Công nông cho giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam. Tháng 2-1927, Bác sáng lập tờ báo Lính kách mệnh dành cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng. Mùa thu năm 1928, Nguyễn Ái Quốc bí mật đến Thái Lan, Người góp ý đổi tên báo Đồng Thanh của Việt kiều thành tờ Thân Ái. Nguyễn Ái Quốc cũng tham gia viết bài và chỉ đạo tờ báo này.

Những tờ báo xuất bản công khai hoặc bí mật do Bác sáng lập ở nước ngoài đều tập trung vào truyền bá tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập một Đảng Cộng sản kiểu mới đủ khả năng, bản lĩnh chính trị lãnh đạo nhân dân nổi dậy phá tan ách nô lệ, giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Ngay trong năm Đảng ta ra đời, Bác sáng lập tạp chí Đỏ (số đầu tiên xuất bản ngày 5-8-1930), đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác viên mật thiết của các tờ báo Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta... với nhiều bút danh khác nhau.

Đầu năm 1941, sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8 thành lập Mặt trận Việt Minh và sáng lập báo Việt Nam độc lập ở căn cứ địa Việt Bắc. Số đầu tiên Người đánh số 101 (với ý nghĩa đây là tờ báo tiếp tục truyền thống của những tờ báo cách mạng trước đây) ra ngày 1-8-1941. Báo Việt Nam độc lập đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền cổ động, tổ chức nhân dân vào các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Năm 1942, Người chỉ đạo thành lập báo Cứu quốc.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác tiếp tục tổ chức và cho ra đời một số tờ báo mới. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951), Bác chỉ đạo thành lập báo Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Đảng, số đầu tiên ra ngày 11-3-1951. Ngoài việc sáng lập, chỉ đạo hoạt động, Bác còn là cộng tác viên rất nhiệt tình của tờ báo: Từ số 1 đến số 5.526 (ngày 1-6-1969), Bác đã đăng hơn 1.200 bài viết trên báo Nhân dân với 23 bút danh khác nhau.

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam và việc đào tạo đội ngũ người làm báo. Bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, Bác tận tâm chỉ dẫn nghiệp vụ cho các nhà báo.

Ngày 17-8-1952, trong buổi nói chuyện tại Trường Chỉnh Đảng Trung ương ở rừng Việt Bắc, Bác nêu rõ 4 vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?” và đưa ra cách giải quyết cặn kẽ, phù hợp các vấn đề đó. Bác căn dặn: “Phải viết gọn, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi... Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng’”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?”.

Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9-1962), Bác cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của báo chí nước nhà bấy giờ: “Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng...”, “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta...”, “Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng...”, “Thiếu cân đối: Tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn thì viết dài, tin để sau thì để trước, nên trước lại để sau...”, “Lộ bí mật - có khi quá lố bịch...”, “Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và lắm khi dùng không đúng...”.

Nói về vai trò quan trọng của báo chí cách mạng, Bác khẳng định: “Báo chí là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức, lãnh đạo...”, “Báo chí là vũ khí sắc bén, nhanh nhạy, đại chúng, phục vụ kịp thời...”. Bác căn dặn: “Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hằng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Nếu ai cắm đầu làm việc mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc. Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể Đảng viên và cốt cán cần phải xem báo Đảng”.

Bác đánh giá và khuyên dạy: “Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới... Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”. Tết Bính Thân (năm 1956), Bác đến thăm, chúc Tết báo Nhân Dân và nói với nhà báo Phan Quang: “Bác chúc chú viết báo cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc”.

Suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó với báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một sự nghiệp đồ sộ: Trên 2.000 bài viết với hàng trăm bút danh khác nhau đăng ở nhiều tờ báo trong và ngoài nước, bằng tiếng Việt, Pháp, Hán, Nga, Anh..., với chủ đề đa dạng, sinh động, văn phong vừa độc đáo vừa gần gũi, dễ hiểu, luôn chiếm được sự mến mộ của bạn đọc.

Là người khai sinh, thực hiện, định hướng, bảo trợ, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam, Bác đưa ra các tư tưởng, phương pháp báo chí mới mẻ, tiến bộ mà phù hợp với phong trào báo chí cách mạng, báo chí hiện đại trên thế giới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây