TKV hướng tới sản xuất thân thiện với môi trường

Thứ sáu - 28/05/2021 21:38
Ngành công nghiệp, nhất là khai thác than, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, quá trình sản xuất luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Song hành với mục tiêu tăng sản lượng, công tác bảo vệ môi trường luôn được TKV coi trọng, có định hướng phát triển bền vững, vì mục tiêu sản xuất ngày càng “sạch" hơn.
TKV hướng tới sản xuất thân thiện với môi trường

Ngành công nghiệp, nhất là khai thác than, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, quá trình sản xuất luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Song hành với mục tiêu tăng sản lượng, công tác bảo vệ môi trường luôn được TKV coi trọng, có định hướng phát triển bền vững, vì mục tiêu sản xuất ngày càng “sạch" hơn. 

Quảng Ninh hiện có 6 bãi thải lớn của ngành Than. Trung bình mỗi năm, hoạt động khai thác, chế biến than thải ra trên 300 triệu m3 đất đá và gần 1,3 triệu m3 xít thải. Lượng chất thải này ngày càng có xu hướng tăng do các mỏ ngày càng xuống sâu. Các bãi đổ thải đã tạo nên những “quả đồi nhân tạo” cao từ 200-300m, như Cọc Sáu, Nam Đèo Nai, Đông Cao Sơn, Đông Bắc Bàng Nâu, Núi Béo...

Bằng nhiều nỗ lực, những năm qua, ngành Than đã kiên trì thực hiện mục tiêu xanh hóa các bãi thải mỏ. Trong 5 năm, từ 2015-2020, TKV đã cải tạo phục hồi môi trường, trồng cây phủ xanh trên 1.000ha bãi thải, khai trường các mỏ đã kết thúc khai thác. Riêng năm 2020, Tập đoàn đã trồng cây xanh cải tạo phục hồi môi trường trên 90ha, hoàn thành 100% so với kế hoạch đề ra. Các bãi thải đang hoạt động cơ bản thực hiện đổ thải tầng thấp với chiều cao tầng ≤15m để giảm nguy cơ sạt lở, giảm phát sinh bụi, hạn chế xói mòn đất đá.

Không chỉ hoàn nguyên môi trường, vấn đề xử lý đất đá thải mỏ lộ thiên cũng bắt đầu có những hướng đi khả thi hơn. Mới đây TKV khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh khai thác lại đất đá thải tại bãi thải mỏ lộ thiên phục vụ san lấp mặt bằng một số dự án trọng điểm theo hướng kinh tế tuần hoàn, loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường. Ông Nguyễn Mạnh Điệp, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành sản xuất than Quảng Ninh, cho biết: Trong năm 2021, TKV sẽ triển khai thí điểm phương án này tại vỉa 14 cánh Tây mỏ Than Núi Béo với trữ lượng khoảng 700.000m3 để phục vụ cho dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.

z2

Tưới đường mỏ ở Công ty Tuyển than Hòn Gai - Vinacomin.

Xử lý nước thải mỏ cũng được TKV nhìn nhận là một vấn đề cấp bách, khi mỗi năm các mỏ thải ra hơn 100 triệu m3 nước thải. Giải quyết lượng nước thải này, TKV đã đầu tư và đưa vào vận hành 42 trạm xử lý nước thải tập trung, áp dụng công nghệ hợp khối và tấm lắng nghiêng, giúp các trạm tăng tốc độ và hiệu quả xử lý nước thải. “Riêng năm 2020, trên 131 triệu m3 nước thải mỏ đã được thu gom, xử lý, đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường” - bà Triệu Thị Nhuận, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV, cho biết.

Quá trình khai thác than, nhất là ở các mỏ lộ thiên, bụi than dễ phát sinh trên nhiều tuyến đường vận chuyển và các khu dân cư lân cận. Từ năm 2008, TKV đã chấm dứt hoạt động vận chuyển than trên các tuyến quốc lộ, không cho tàu chở than đi qua Vịnh Hạ Long; dành nhiều tỷ đồng để mở những con đường vận chuyển than chuyên dụng, đầu tư hàng loạt tuyến băng tải thay thế ô tô vận chuyển than ra các cảng và đến các nhà máy nhiệt điện. Từ năm 2016 đến nay, TKV đã đầu tư, vận hành 9 tuyến băng tải, tổng chiều dài trên 35,5km để vận chuyển than ra cảng và đến các nhà máy điện, góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường đô thị.

Trong khai trường sản xuất than, các đơn vị đã chủ động nâng cấp hệ thống phun sương dập bụi, đầu tư thêm phương tiện, thiết bị phục vụ công tác tưới đường mỏ. Hiện các đơn vị đã đưa vào sử dụng trên 70 máy phun sương dạng cao áp, công suất 15m³/h, bán kính phun đạt 150m, làm nhiệm vụ dập bụi tại khu vực sàng than, máng ga, hệ thống băng tải than và đất đá thải mỏ. Đặc biệt, trong năm 2020, Công ty CP Than Cao Sơn - TKV đã đầu tư 1 xe tưới đường mỏ chuyên dụng, dung tích gần 50m3, gấp gần 3 lần xe tưới đường cũ, để phục vụ việc dập bụi tại các tuyến vận tải trọng điểm của mỏ.

Giải quyết những tác động đến môi trường từ hoạt động khai thác than phải được thực hiện từ gốc, nghĩa là ngay từ khâu đầu tư công nghệ sản xuất, TKV đã phải tính đến những tác động đến môi trường. Những năm qua, Tập đoàn đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hoá, thủy lực hóa trong khai thác các mỏ than hầm lò, nhờ đó giảm suất tiêu hao gỗ chống lò từ 45-50m3 xuống 14m3/1.000 tấn than. TKV cũng đã đầu tư đổi mới thiết bị khai thác hiện đại theo hướng ưu tiên cơ giới hóa để tăng năng suất, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế khí thải trong quá trình sản xuất.

Trong lộ trình tăng trưởng xanh, Quảng Ninh phải giải quyết xung đột giữa khai thác than và phát triển du lịch. Vì vậy, tỉnh chủ trương đồng hành cùng ngành Than sản xuất kinh doanh theo hướng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. TKV sẽ tiếp tục tăng hàm lượng KHCN trong khai thác than, phối hợp hiệu quả với các ngành chức năng và địa phương trong công tác quản lý nhà nước về khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, kinh doanh than gắn với bảo vệ môi trường.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây