Chiến tranh đã lùi xa, nay chiến trường trở thành thị trường, nhưng Quảng Ninh không quên Anh hùng liệt sỹ Đặng Bá Hát, người chỉ huy trận địa pháo cao xạ 37mm của tự vệ mỏ, đơn vị chiến đấu kiên cường chống quân Mỹ không kích khu mỏ. Đặng Bá Hát sống anh hùng, chết vẻ vang, Tổ quốc ghi công, nay tấm gương vẫn tỏa sáng truyền thống cách mạng ở Quảng Ninh.
Ông Đặng Bá Hát sinh năm 1936 tại thôn Đồng Tái, xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương từng tham gia kháng chiến chống Pháp, khi thắng lợi giải trừ quân bị về mỏ làm than; và trong hàng chỉ huy lực lượng tự vệ mỏ, trong hoàn cảnh đất nước vừa sản xuất vừa chiến đấu chống Mỹ. Khi quân Mỹ không kích lần thứ II trên vùng trời khu mỏ Quảng Ninh (10/5/1972-30/12/1972), Đặng Bá Hát làm đại đội trưởng Đại đội 34 pháo cao xạ 37mm, thuộc Tiểu đoàn tự vệ Bến Hồng Gai.
Đại đội của Đặng Bá Hát bố phòng ở mỏm đồi 104, trên cao điểm Ba đèo, một dãy núi cao phía Đông eo biển Cửa Lục, sát mép nước bến phà Bãi Cháy, giữa đô thị thị xã Hồng Gai (nay là thành phố Hạ Long). Mỏm đồi 102 thấp hơn bên cạnh là trận địa pháo pháo 37mm của Đại đội 8, thuộc Tiểu đoàn 241 bộ đội địa phương, do chuẩn úy Bùi Văn Năm (quê ở Đồ Sơn, Hải Phòng) làm đại đội trưởng. Tiếp đó là mỏm đồi 106 cao hơn, là trận địa 14,5mm và 12,7mm của tự vệ Nhà máy Cơ khí Hồng Gai (Bà Phan Thị Thảo, vợ ông Hà Văn Hiền, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khi ấy từng là pháo thủ).
Đại đội 34, ông Đặng Bá Hát làm đại đội trưởng; các ông Mai Văn Ngôn, Đoàn Văn Thành là đại đội phó và 48 chiến sỹ; trong đó có 6 chiến sỹ nữ làm nhiệm vụ trinh sát và thông tin. Vũ khí của đơn vị gồm 4 khẩu pháo 37mm 1 nòng, kính ngắm 39, chiến lợi phẩm từ thế chiến thứ II mà nước bạn Liên Xô viện trợ cho ta đánh Mỹ. Khi chiến tranh cao điểm mặt trận Bình-Trị-Thiên, mà người bên kia chiến tuyến gọi là “mùa hè đỏ lửa 1972”, thì pháo thủ của đơn vị 24/24 giờ trong ngày không rời mâm pháo, nhiều trận chiến đấu ác liệt kéo dài pháo phải thay nòng đến 2 lần.
Hôm 12/7/1972, lúc trời đã sang trưa, chiếc kẻng làm bằng vỏ quả bom 250 Bảng anh khoét nòng treo giữa mỏm đồi rung lên, âm thanh giục giã. Tiếng chân người thình thịch, đạn lên nòng rèn rẹt. Nguyễn Thị Hường, hai tai áp ống nghe máy thông tin VT- P108, truyền tin từ cỗ máy Rađa đặt mãi tít ở đâu đó, thông báo Tiêu đồ đường bay của kẻ địch mà mắt thường không nom thấy.
Rồi cả trận địa náo động, bốn trinh sát: Nguyễn Văn Đức,Trần Văn Sơn, Phạm Thị Thuý, Nguyễn Thị Bích cùng đồng thời nhất loại hô:
-Tiêu!…tiêu!..! Mục tiêu hướng 34 (ám hiệu hướng Nam).
Đại đội trưởng Đặng Bá Hát tay cầm cờ lệnh hướng ra biển, miệng hô:
- Sục sạo mục tiêu.
- Rõ!
Bốn khẩu đội trưởng răm rắp nghe theo, nòng pháo vươn lên trời cao. Những chấm đen nhô lên từ Cửa Giữa, ban đầu nhìn qua ống nhòm bội số 10 mới phát hiện nó là vật thể gì. Trong chốc lát, mắt thường cũng thấy rõ đó là những chiếc máy bay phản lực siêu âm của Mỹ, cất cánh từ Hạm Đội 7 lao vào vùng trời đất Mỏ.
- 8 ngàn... 6 ngàn... 4 ngàn 5 trăm.
Nguyễn Thanh Liêm, trắc thủ đo xa dồn dập cấp báo khoảng cách tốp máy bay Mỹ bay vào phòng tuyến phòng không của đơn vị. Cờ lệnh trong tay Đặng Bá Hát dập xuống.
- Bắn!
Bốn cột lửa đạn 37mm liên thanh, dựng lên đón đầu chiếc F105D. Loạt đạn đầu không trúng mục tiêu, nó nghiêng cánh tránh đạn. Thế trận phòng không ba thứ quân ở đất này khi ấy: Đại đội 145 pháo 37mm, đại đội 147 pháo 57mm của Tiểu đoàn 237 bộ đội địa phương do Đại úy Bùi Duy Tú chỉ huy, đặt ở dải đồi cao 150m (đồi truyền hình, sân golf FLC ngày nay). Đại đội pháo 100mm của tự vệ mỏ Hà Lầm, Hà Tu bảo vệ phía đông (khai trường mỏ than Núi Béo hiện nay). Đại đội 4 pháo 57mm, đại đội 6 pháo 37mm của Tiểu đoàn 241 bộ đội, do Đại úy Đào Công Sự chỉ huy bảo vệ bờ Tây Bãi Cháy (đồi ông Giáp và đồi 75 không tên). Tiểu đoàn 243 của Thượng úy Phạm Thả làm tiểu đoàn trường. Gồm 2 đại đội pháo 37mm, đại đội 2 do Trung úy Trần Văn Dân chỉ huy; đại đội 3 Trung úy Nguyễn Hữu Còn chỉ huy, đại đội 1 súng 12 ly7 và 14ly5 do Trung úy Đào Hữu Mạc chỉ huy chặn đánh địch từ vùng rừng Hoành Bồ bay đến. Tầm cao, có Sư đoàn tên lửa 363 trực chiến khi ấy có Đại tá Phùng Thế Tài tư lệnh Quân chủng phòng không-không quân trực tiếp chỉ đạo tác chiến, chi viện bằng những quả tên lửa Sam2 bệ phóng đặt ở khu vực An Sinh, Đông Triều.
Vùng trời tầng tầng, lớp lớp hoa khói. Hoa đen, vết nổ đạn pháo trung cao, hoa trắng vết nổ đạn pháo tiểu cao, cùng những tia lửa đỏ từ nòng súng phòng không 12,7mm, 14,5mm và 20mm trên tầu Hải quân vun vút bay lên. Chiếc F4H vừa hạ thấp độ cao bị súng 14,5mm của Tiểu đoàn tự vệ mỏ Hà Lầm đặt ở mỏm đồi 88 bắn cháy, 2 tên phi công nhảy dù xuống vùng biển núi Hạm, vịnh Hạ Long.
Trận đầu ngớt tiếng súng không lâu, 15h45 phút cùng ngày (12/7/1972) 38 chiếc máy bay, chia làm 2 cánh, cánh thứ nhất 16 chiếc ném bom xuống thị trấn Hà Lầm, gây đại tang cho phố mỏ này. Cánh thứ hai gồm 22 chiếc không kích dữ dội bến phà Bãi Cháy, nơi 2 con phà đang chở khách qua sông. Đại đội trưởng Đặng Bá Hát dũng mãnh nhoài người ra khỏi công sự, tay cầm cờ lệnh, miệng hô:
- Bám sát mục tiêu bay thấp! Các khẩu đội lấy núi Bài Thơ làm chuẩn!
Bốn nòng súng cuốn lá ngụy trang nâng tầm, chuyển hướng theo đường bay của giặc Mỹ từ Cửa Giữa lao vào. Mỗi lần cờ lệnh trong tay anh dập xuống, cả trận địa rung chuyển, khói bụi mịt mù, tiếng pháo nổ đầu nòng, tiếng đầu đạn xé gió bay đi, động cơ máy bay địch gào thét. Viên đạn từ trận địa này bắn, đốm lửa xanh lóe sáng bên cánh trái chiếc F4H khi nó đang ở độ cao 4.000m bổ nhào xuống bến phà, cách trận địa 1.800m. Nó tròng chành giây lát, rồi tăng độ cao, cố chuồn ra biển. Bay vừa qua được dãy núi đá vôi Cửa Giữa toàn thân nó bùng cháy, rồi rơi tùm xuống nước. Trưởng ban Cao pháo Tỉnh đội Trung tá Phùng Ngọc Hùng, ở Đài quan trắc đặt ở đỉnh núi Đồng Ho, Sơn Dương (Hoành Bồ) xác định điểm bắn trúng trên không ghi nhận: Đây là chiếc máy bay thứ 2 Đại đội này bắn rơi.
Xế chiều, chiến sự càng gay go, cơ số đạn chiến đấu vơi dần, nòng pháo quá tải rực đỏ. So sánh lực lượng, quân Mỹ hơn hẳn quân ta. Chúng rợp trời máy bay phản lực siêu âm như F105 (thần sấm), F4H (con ma), A3J, máy bay cách cụp cánh xòe, chim ưng nhà trời... hiện đại. Hung khí chúng đã dùng đến công nghệ laser, bom từ trường, bom hơi, bom trùm thứ giết người hàng loạt. Quân dân ta chỉ có những cỗ pháo đơn sơ, quay tay lạc hậu không tấc khí tài... Thình lình 2 chiếc F4H từ mặt tiền lao thẳng vào trận địa bắn phá, 4 khẩu pháo của đại đội 34 dũng mãnh nhả đạn. Tên phi công vừa bấm cò cắt bom, sợ chết, nó bay vọt lên cao. Đường bay không ổn định, hung khí lạc hướng rơi xuống rừng thông gần những ụ pháo nổ rung mặt đất, khói bụi theo gió bao phủ trận địa. Lợi dụng tình thế ấy, 2 chiếc A6a tập hậu đánh lén, ném 4 quả bom bi mẹ bụng chứa hàng trăm quả bom con trùm lên trận địa (bom này còn gọi là bom trùm vũ khí sát thương hủy diệt, quốc tế cấm sử dụng trong chiến tranh).
Hung khí của kẻ định làm 28 cán bộ, chiến sỹ của đại đội 34 thương vong. 5 người hy sinh tại chỗ gồm: Đại đội trưởng Đặng Bá Hát; Khẩu đội trưởng Lê Minh Duật; pháo thủ khẩu đội 3 Võ Như Côi; pháo thủ của khẩu đội 1 Nguyễn Xuân Nức và Hoàng Thí Sáng. Đại đội trưởng Đặng Bá Hát bị nhiều viên bi trì độc hại găm vào cơ thể, hy sinh vào lúc 16h40phút, ngày 2 tháng 6 năm Nhâm Tý (12/7/1972) khi có 4 con nhỏ, 1 trai 3 gái vợ là Hoàng Thị Mát. Liệt sỹ Nguyễn Xuân Nức còn mang theo mối tình với Phạm Thị Nhuần, nữ chiến sỹ thông tin cùng đơn vị mà đại đội phó kiêm Bí thư Chi đoàn Mai Văn Ngôn đã hứa sau trận này Chi đoàn đứng ra làm lễ kết hôn cho họ.
Đại đội 34 pháo cao xạ 37mm của tự vệ mỏ than và Anh hùng liệt sỹ Đặng Bá Hát đã làm nên tráng ca của vùng than Quảng Ninh. Ngày 30/10/1996, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định quy hoạch xây dựng khu di tích lịch sử cấp quốc gia trận địa pháo 37mm với diện tích 20.677m2. Ngày 5/11/19997, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 3457-VH/QĐ công nhận Xếp hạng trận địa pháo cao xạ 37mm trên đỉnh Ba Đèo mỏm đồi 104, là Di tích lịch sử Quốc gia.
Nhưng nay Quy hoạch có khác, công trình Di tích xây dựng tụt sâu xuống phía dưới nơi rẻo đất trước đây là phế tích trụ sở của cơ quan phòng Nhì Pháp. Năm 1973, đài Tiếng nói Việt Nam đặt trạm phát sóng ở đây gọi là Đài A4; năm 1976 giao cho Đài Phát thanh Quảng Ninh quản lý, năm 1983 bỏ khi xây dựng cột phát sóng PTTH ở đồi cột 5; ông Lê Đình Bưởi nguyên đài trường Đài A4 phục hóa làm vườn. Thực tế thổ đất này không có giá trị lịch sử cao quý và linh thiêng nơi Anh hùng liệt sỹ Đặng Bá Hát cùng 4 đồng đội đã chiến đấu và anh dũng hy sinh. Đồng đội năm xưa và thân nhân liệt sỹ, ngày thương binh liệt sỹ 27/7 hàng năm thường tập trung dâng hương vái vọng Anh hùng liệt sỹ Đặng Bá Hát và những người vị nước vong thân. Không ai đến công trình xây dựng không đúng nơi phát tích, lại đền không ra đền, đài liệt sỹ không ra đài liệt sỹ, đã từng làm quán gió...
Anh hùng liệt sỹ Đặng Bá Hát, các liệt sy Lê Minh Duật, Võ Như Côi, Nguyễn Xuân Nức, Hoàng Thí Sáng... những chiến sỹ tự vệ mỏ than Quảng Ninh hồn thiêng siêu bạt nơi đâu, khi sống anh hùng, chết vẻ vang, Tổ quốc ghi công.
Hình ảnh Anh hùng liệt sỹ Đặng Bá Hát và những chiến sỹ tự vệ mỏ than Quảng Ninh sống anh hùng, chết vẻ vang, Tổ quốc ghi công:
Tác giả: Vũ Phong Cầm - Bùi Huy Hoàng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn